Bạn đang tìm cách để tạo website? Và sau 1 thời gian tìm hiểu bạn thấy nhiều người nói rằng tạo website WordPress rất dễ dàng với cả người không biết lập trình?
Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn cách làm trang website bằng WordPress từ A đến Z cho những người mới tìm hiểu về web, những người không biết lập trình hoặc không được học gì về code.
Với WordPress bạn có thể tạo blog cá nhân, làm web bán hàng, web dịch vụ,… bất cứ web gì đều được mà không cần biết gì về code (đương nhiên nếu biết code thì sẽ tốt hơn, sẽ làm được nhiều thứ hay ho hơn).
Tại sao bạn nên biết tự làm website WordPress cho mình?
Không chỉ riêng làm web mà bất kể việc gì đó, nếu bạn là người chủ động trong mọi công việc thì bạn sẽ làm dễ dàng hơn rất nhiều. Việc bạn tự làm web thứ nhất là bạn sẽ nắm rõ được web của bạn có những gì, thứ hai là khi xảy ra lỗi bạn có thể tự mình sửa được.
Giả sử nếu bạn đi thuê bên khác làm web thì khi xảy ra lỗi hoặc bạn muốn thêm chức năng gì đó cho web bạn sẽ phải liên hệ với người ta. Mà thực tế cho thấy không phải bên nào họ cũng sẵn sàng sửa ngay khi bạn báo mà kiểu gì cũng bị delay 1 thời gian như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của bạn.
Đặc biệt, nếu bạn đang muốn làm web để kiếm tiền online thì việc làm web là kỹ năng “cần phải có“. Ví dụ nếu bạn làm affiliate marketing, bạn sẽ cần làm nhiều site ngách, nhiều dự án riêng mà mỗi dự án cần 1 web, việc bạn tự làm web được sẽ tiết kiệm chi phí rất nhiều. Hơn thế, khi bạn biết làm web bạn có thể tối ưu được cho chiến dịch kiếm tiền hiệu quả hơn.
Ngoài ra, khi bạn đi thuê làm web đồng nghĩa với việc bạn đang đưa “miếng cơm” của bạn cho người khác giữ. Nếu sau này web của bạn phát triển, chẳng may gặp phải người nào chơi xấu thì 1 là họ sẽ hất đổ miếng cơm của bạn, 2 là họ sẽ chiếm lấy miếng cơm của bạn.
Các bước tạo website WordPress chi tiết
Ở đây, mình sẽ nói qua về 3 thành phần cơ bản cấu thành lên web bằng WordPress như sau:
- Domain (tên miền): Thường có đuôi là .com, .net, .vn,… (xem cách chọn và mua tên miền)
- Hosting: Là nơi lưu trữ toàn bộ dữ liệu của web bao gồm code + database (xem hướng dẫn mua hosting giá rẻ)
- Code WordPress: Là mã nguồn mở được tải miễn phí từ wordpress.org.
Bước 1. Mua tên miền (domain) và hosting
Đây là bước bạn cần làm đầu tiên và cũng là phần quan trọng nhất.
Những người mới bắt đầu thường mắc sai lầm lớn là chọn nền tảng (platform) cho website/blog. Rất may, bạn đã đọc bài viết này. Vì vậy, bạn sẽ không mắc sai lầm đó.
Bạn biết không?
Khoảng 95% người dùng, khi bắt đầu blog đều chọn WordPress.org – nền tảng lưu trữ WordPress.
Có phải bạn đang tự hỏi: Tại sao WordPress miễn phí? Nó thực sự tốt hay đang có vấn đề?
Thật sự nó rất tốt và không có vấn đề. WordPress chỉ là nền tảng, vì thế bạn phải tự thiết lập và lưu trữ nó.
Nói cách khác, bạn cần một domain và hosting.

Mua tên miền (domain)
Đăng ký domain không khó như bạn nghĩ. Chỉ cần có tài khoản Paypal hoặc thẻ Visa/ Mastercard là bạn đã có thể đăng ký được rồi.
Lưu ý: Paypal hoặc thẻ Visa/ Mastercard phải có tiền nhé!!!
Hosting
Như mình thường nói trong nhiều bài viết, hosting là nơi lưu trữ code web. Nó ảnh hưởng đến các thao tác của bạn trên host và ảnh hưởng tới tốc độ load web sau này.
Vậy nên bạn nên chọn mua hosting ở các nhà cung cấp uy tín, chất lượng. Tránh để sau này tốc độ load web ì ạch thì sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm người dùng, ảnh hưởng đến SEO và quảng cáo. Hoặc không may nhà cung cấp hosting là mất dữ liệu web của bạn thì không kêu ai được. Ở Việt Nam bạn có thể lựa chọn việc mua hosting của INET.
Chi tiết cách đăng ký hosting bạn đọc ở đây: Hướng Dẫn Mua Hosting Rẻ Nhất Tiết Kiệm 30% Chi Phí
Bước 2: Kết nối domain với hosting
Đây là bước bạn liên kết tên miền với hosting để cho chúng hoạt động thành 1 thể thống nhất. Để website hoạt động được với tên miền và hosting đã mua, chúng ta phải kết nối domain với hosting. Dân IT hay gọi là trỏ tên miền về hosting.
Dưới đây là 3 cách mà bạn có thể trỏ domain về hosting dễ dạng nhất: Xem hướng dẫn trỏ tên miền về hosting
Bước 3: Cài đặt website WordPress
Sau bước 1 và bước 2, bạn cảm thấy thế nào?
Thật sự cũng không quá khó để mua tên miền và hosting phải không?
Ở bước 3, bạn sẽ biết cách cài đặt WordPress trong vòng 10 phút. Thật sự, nó không khó như bạn nghĩ. Chúng ta chỉ cần click vài lần là OK.
Truy cập trang inet.vn > Danh sách dịch vụ > Hosting sau đó chọn đăng nhập
Trong cPanel, tìm tới phần Softaculous Apps Installer > WordPress
Softaculous cho phép người dùng cài đặt rất nhiều ứng dụng, chọn bản muốn cài đặt, khách hàng có thể lựa chọn các CMS phổ biến như WordPress, Joomla, Drupal, Opencast …v…v.. để cài đặt. Trong bài hướng dẫn cài đặt WordPress trên hosting này, chúng ta sẽ chọn WordPress.
Softaculous cung cấp giao diện và quá trình cài đặt wordpress trên hosting nhanh chóng và dễ dàng.
Ấn vào Install Now để vào mục cài đặt WordPress
Chọn giao thức trên trình duyệt:
Step 1: Chọn cấu hình cài đặt
– Choose the version you want to install: Chọn phiên bản WordPress cần cài đặt, mặc định là phiên bản mới nhất.
– Choose Installation URL: Cấu hình cài đặt URL tên miền & web
+ Choose Protocol: Giao thức hoạt động ( Nên sử dụng mặc định HTTP:// )
+ Choose Domain: Chọn tên miền cần cài đặt
+ In Directory: Đường dẫn thư mục tên miền (Để trống)
Step 2: Cài đặt Trang web
– Site name: Tên site hiển thị
– Site Description: Mô tả của website
– Enable Multisite (WPMU): Tạo một mạng lưới nhiều website trên một mã nguồn WordPress duy nhất (Mặc định không tick)
Nhập thông tin tài khoản quản trị web
– Admin Username: Nhập tên tài khoản quản trị cao nhất.
– Admin Password: Nhập password cho tài khoản quản trị.
– Admin Email: Nhập email quản lý dịch vụ website.
Step 3: Chọn ngôn ngữ hiển thị và cài đặt plugins
– Plugin Limit Login Attempts (Loginizer) : Bảo vệ trang web của bạn chống lại các cuộc tấn công bruteforce bằng cách giới hạn số lần đăng nhập để cài đặt WordPress của bạn. Nếu được chọn plugin Loginizer sẽ được cài đặt và kích hoạt với cài đặt của bạn.
– Plugin Classic Editor: Hỗ trợ cho các phiên bản WordPress từ 5.x trở lên
Step 4: Các tùy chọn nâng cao
– Database Name: Tên database cài đặt
– Table Prefix: Tiền tố bảng cơ sở dữ liệu trong database
– Disable Update Notifications Emails: Tắt email thông báo update
– Auto Upgrade: Tự động nâng cấp trên WordPress (Mặc định nên để Do not Auto Upgrade )
– Auto Upgrade WordPress Plugins: Tự động nâng cấp phiên bản plugins WordPress(Không tick)
– Auto Upgrade WordPress Themes: Tự động nâng cấp phiên bản themes WordPress(Không tick)
– Backup Location: Vị trí lưu file backups
Step 5: Chọn theme
– Cài nhanh WordPress trên Softaculous Apps Installer sẽ hỗ trợ cài nhanh một số theme, bạn có thể lưa chọn cài đặt hoặc bỏ qua.
– Install: Chọn để cài đặt. Bạn đợi khoảng vài phút để quá trình cài đặt được hoàn tất.
Như vậy bạn đã tạo thành công website WordPress của mình rồi.
Ngay bây giờ bạn đã có trê truy nhập trang quản trị admin của website để thiết kế web.
- Đường dẫn truy nhập web: http://tên-miền-của-bạn.
- Đường dẫn truy nhập trang quản trị: http://tên-miền-của-bạn/wp-login.php
- Tài khoản đăng nhập trang quản trị: Đã tạo ở bước trên
Bước 4: Cài đặt theme, plugin và cấu hình cho website WordPress
Bước này là bước cuối rồi. Trong bước này có một số việc bạn phải làm đó là cài đặt theme cho WordPress để nhìn nó chuyên nghiệp hơn và cài một số plugin để tối ưu chức năng cho web, còn lại là cài đặt một số mục cơ bản.
1. Cài đặt giao diện web
Tùy thuộc vào mục đích của bạn làm web để làm gì rồi bạn hãy chọn theme cho phù hợp. Hiện tại trên kho theme miễn phí của WordPress có hàng chục nghìn theme với hầu hết các chủ đề khác nhau như theme blog cá nhân, theme bán hàng, theme làm trang giới thiệu dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch,….
Ngoài ra, nếu bạn tìm hiểu sâu sẽ thấy 1 số trang cung cấp theme trả phí từ bên thứ 3 với rất nhiều theme cực kỳ chuyên nghiệp đó là themeforest, mythemeshop, studiopress,…
Với các theme được cung cấp sẵn bạn dễ dàng làm web để phục vụ nhu cầu của mình. Và với kho theme phong phú như vậy thì mình dám chắc là đến 99% chúng đều có thể đáp ứng nhu cầu của bạn. Chỉ cần bạn chịu khó dành thời gian tìm kiếm 1 chút là ổn.
Sau khi cài đặt theme xong bạn chịu khó ngồi tinh chỉnh giao diện sao cho nhìn chuyên nghiệp và phù hợp với lĩnh vực bạn làm nhé.
Sau khi xong, bạn chuyển xuống cài đặt một số plugin để có những chức năng cơ bản nhất.
2. Cài đặt plugin cho web
Plugin WordPress là những phần mở rộng giúp bạn tích hợp thêm các chức năng vào web. Cũng giống như theme thì plugin cũng có kho miễn phí và trả phí. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu làm web bằng WordPress thì kho plugin miễn phí của WordPress.org là đủ rồi.
Với bất kỳ 1 web bằng WordPress nào thì cũng sẽ cần các plugin cơ bản như:
- Akismet – Ngăn chặn spam bình luận cho web
- Contact Form 7 – Tạo form liên hệ dễ dàng, chuyên nghiệp
- Yoast SEO – Tối ưu SEO Onpage cho we
- Plugin chèn quảng cáo – Hỗ trợ chèn quảng cáo vào các vị trí phù hợp.
Lời kết
Như vậy bài viết này đã hướng dẫn bạn các bước để tạo web bằng WordPress để làm blog cá nhân hoặc làm web shop bán hàng. Trong các bước sẽ có một số bài hướng dẫn chi tiết hơn mà mình đã để link, bạn cố gắng độc hết để hiểu hơn nha.
Bài viết này sẽ dừng ở mức giúp bạn tạo được website bằng WordPress. Sau khi hoàn thành xong trang web bạn sẽ còn nhiều việc phải làm để phát triển trang web như:
- Cài đặt giao diện web chuyên nghiệp hơn với các theme từ bên thứ 3.
- Cài thêm plugin để tạo các chức năng bạn muốn.
- Phát triển nội dung cho web
- Tối ưu hóa SEO cho web
- ….
Chúc các bạn thành công!